Hen phế quản (Asthma) là một bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Viêm đường thở mạn tính kết hợp với tăng đáp ứng đường thở dẫn đến những đợt thở rít, khó thở, nghẹt lồng ngực, ho tái diễn; các triệu chứng thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm; những đợt này thường kết hợp với tắc nghẽn đường thở lan toả và hồi phục tự phát hoặc sau điều trị (GINA: global initiative for asthma) .
Bệnh hen phế quản
Yếu tố nguy cơ của hen phế quản
Yếu tố cơ địa
– Di truyền: gặp 35 – 70% ở bệnh nhân hen phế quản. Có nhiều gen liên quan đến bệnh sinh của hen phế quản và khác nhau theo nhóm chủng tộc. Gen kiểm soát đáp ứng miễn dịch trong hen phế quản là HLA-DRB1-15. Gen liên quan đến sản xuất các cytokin viêm, IgE và tăng đáp ứng phế quản ở NTS 5q.
– Tạng Atopy (cơ địa dị ứng): là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển hen phế quản, khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng Atopy.
– Giới tính: giới tính nam là yếu tố nguy cơ hen phế quản trẻ em (trẻ em tỷ lệ mắc hen phế quản ở bé trai nhiều hơn bé gái). Khi trưởng thành tỉ lệ mắc HPQ ở nữ nhiều hơn nam.
– Chủng tộc: người da đen có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn người da trắng.
– Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hen phế quản.
Yếu tố môi trường
–Dị nguyên: là yếu tố quan trọng nhất phát triển hen phế quản.
+ Dị nguyên trong nhà:bụi nhà (trong đó có con bọ nhà như Dermatophagoides Pteronyssius, Dermatophagoides farinae, Dermatophagoides micoceras), dị nguyên động vật (lông chó, mèo), gián (Blatella Orientalis ), nấm (Penicillium, Aspergillus ).
+ Dị nguyên ngoài nhà: phấn hoa (cây, cỏ) , nấm (Alternaria, Cladosporium).
+ Tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp: các chất hoá học có trọng lượng phân tử thấp và cao.
–Khói thuốc lá: trong khói thuốc có Polycylic hydrocarbon, Cacbon monoxide, carbon dioxid, nitric oxid. Hút thuốc chủ động và thụ động làm tăng nguy cơ hen phế quản ở người tiếp xúc với tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp.
– Ô nhiễm không khí:
+ Ô nhiễm trong nhà: do nấu ăn với gas, gỗ (có chứa nitric oxid, nitrogen oxid, carbon monoxid, sulfuldioxid ) .
+ Ô nhiễm ngoài nhà: khói công nghiệp, hoá ảnh.
– Nhiễm trùng hô hấp: giả thuyết nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh ở người hen phế quản không có cơ địa dị ứng. Hay gặp nhiễm virus hô hấp (Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, Respiratory syncytial virus, Adenovirus), nhiễm khuẩn (Chlamydiae pneumoniae, Mycobarterium bovis), nhiễm ký sinh trùng.
– Các yếu tố khác: tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, gia đình đông người, chế độ ăn kiêng, dùng thuốc (thuốc thuộc nhóm NSAID ).
Biến chứng
– Tràn khí màng phổi, trung thất: gặp 5%, dễ chẩn đoán nhầm, tràn khí màng phổi hai bên rất dễ nguy cơ gây tử vong ở bệnh nhân hen phế quản.
– Nhiễm khuẩn phổi – phế quản: thường do virus hoặc vi khuẩn (lao phổi), hay gặp ở hen phế quản mạn tính, khó thở liên tục.
– Xẹp phổi: hay gặp ở trẻ em (30%).
– Tâm phế mạn, khí thũng phổi: hay gặp ở hen phế quản mạn tính, nặng.
– Suy hô hấp mạn tính, biến dạng lồng ngực
– Biến chứng của điều trị: hội chứng giả cushing do điều trị corticoid.