Trang chủ / Bài viết xem nhiều nhất / Tâm sự của vị bác sĩ 5 năm làm việc tại Phòng khám Đồng Đội: Những ngày tháng đáng nhớ

Tâm sự của vị bác sĩ 5 năm làm việc tại Phòng khám Đồng Đội: Những ngày tháng đáng nhớ

Hà Nội những ngày sang thu thật đẹp. Dù không còn vẹn nguyên “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” như trong lời bài hát Mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hà Nội vẫn mang một nét rất đặc biệt, chỉ nơi đây mới có. Tôi không thể gọi tên nó là gì, chỉ có thể cảm nhận…

Miên man một chút thôi, chào các bạn, tôi là BS CK 1 Nguyễn Văn Nam, 77 tuổi, hiện sinh sống tại tp Hồ Chí Minh. Trước khi an hưởng tuổi già tại thành phố mang tên bác, tôi đã gắn bó gần như cả cuộc đời tại Hà Nội. Cuộc sống, sự nghiệp, tình yêu và gia đình, tất cả ở nơi thân thương ấy. 

Tình yêu, gia đình và cuộc sống tôi xin phép được giữ riêng cho mình. Còn về phần sự nghiệp, xin được chia sẻ đôi chút. 

Anh lính và duyên với nghiệp y

18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, chiến đấu 3 năm  tại Quảng Trị, nhiều lần vào sinh ra tử và đã từng “ăn” trọn viên đạn vào vai trái. Hồi đó điều kiện y tế đơn sơ, thuốc men thiếu thốn, vết thương của tôi còn bị nhiễm trùng, tôi sốt cao mấy ngày liền mà không có thuốc điều trị. Đồng đội thương tôi xong chẳng thể làm gì được, khi ấy cũng xác định…Nhưng may mắn thay, gần đơn vị có một bản người dân tộc Pa Ko .sinh sống, trong đó có một ông lang rất giỏi. Biết chuyện của tôi, ông lập tức đi tìm lá thuốc và trực tiếp chữa cho tôi. Khi đó vết thương của tôi đã lở loét mưng mủ, người chỉ còn 1, 2 phần sống. Ấy vậy mà chỉ sau 3 ngày vừa uống vừa đắp thuốc ngoài da, người tôi hết sốt, vết thương lành dần, tôi hồi phục trong sự ngạc nhiên và vui mừng của tất cả mọi người. Như một điều kỳ diệu!

Tôi biết ơn thầy lang ấy, người bé nhỏ nhưng đôi mắt sáng và nhanh nhẹn. Thầy thuốc thường dấu nghề nhưng ông thì không, sau khi chữa khỏi cho tôi ông còn chỉ cho chúng tôi một số bài thuốc, vị thuốc chữa vết thương, chữa một số  bệnh mà lính chúng tôi dễ gặp phải, cốt để phòng khi cần thiết có thể tự chữa cho mình và đồng đội.

Tôi cố gắng ghi nhớ hết những lời thầy lang dặn. Đối với tôi, ông ấy không chỉ là ân nhân mà còn là người thầy đầu tiên trong chặng đường sự nghiệp y khoa. Tôi tự hứa, sau khi chiến tranh kết thúc, nhất định tôi sẽ trở thành thầy thuốc cứu người giống như ân nhân của mình

Một năm sau đất nước hòa bình, tôi xuất ngũ và quyết tâm ôn luyện để thi vào trường y, chuyên ngành YHCT. Ước mơ trở  thành thầy thuốc sớm thành hiện thực. Ra trường, tôi được phân công công tác tại Bệnh viện YHCT Quân đội và gắn bó với nơi ấy cho đến khi về hưu.

Sự nghiệp của người thầy thuốc: Nghỉ hưu không có nghĩa là kết thúc

Khác với nội dung ở các bài viết trước đây (đề tài chủ yếu là công trình nghiên cứu trong bệnh viện YHCT Quân đội). Lần này tôi xin chia sẻ kỷ niệm của mình tại nơi khác ngoài bệnh viện, đó là tại phòng khám Đồng Đội.

Ngày tôi có quyết định nghỉ hưu cũng là ngày tôi quyết định tham gia dự án “Đồng đội”. Đó là dự án nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng y học cổ truyền do anh bạn đồng nghiệp (cũng đã về hưu) của tôi khởi xướng. Dự án không thuộc bất cứ tổ chức đoàn thể hay của viện nào. Chúng tôi tập hợp với nhau vì niềm đam mê với nghề thuốc vẫn còn và vì những dự định còn dang dở mà thời gian công tác tại viện với hàng tá công việc bận rộn khiến chúng tôi chưa thể hoàn thành

Chúng tôi tập trung nghiên cứu những bài thuốc quý trong dân gian. Thực ra suốt nhiều năm tôi cũng đã nghiên cứu không ít, nhưng chưa hết và chưa đủ. Tôi nhận thấy dọc mảnh đất hình chữ S mỗi vùng miền lại có nhiều bài thuốc hay vị thuốc quý mà chúng ta chưa biết tới, tương tự như bài thuốc đã từng cứu sống tôi trong rừng sâu năm nào. Đó có thể là nguồn tư liệu vô cùng quý giá có thể bổ sung và hoàn thiện hơn kho tàng của y học cổ truyền nước nhà. Cũng là mở ra cơ hội cho người  bệnh được chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền một cách hiệu quả hơn.

Nói là làm, chúng tôi vận dụng hết kiến thức, kinh nghiệm và cả sự máu lửa của những người thầy thuốc -người lính để làm việc hết mình. Tôi không ngần ngại đi tới những vùng xa xôi, cứ nghe nơi nào có bài thuốc hay là tôi đến. Vợ con có lúc thấy tôi đi nhiều quá sợ sức khỏe không đảm bảo nhưng vì niềm đam mê tôi không thể dừng bước. Tôi gọi đó là những chuyến đi thực tế trải nghiệm. Sau mỗi chuyến đi tôi lại mang về được rất nhiều thứ, từ kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, những vị thuốc lạ, bài thuốc hay có thể áp dụng. Để từ đó tôi và các đồng nghiệp của mình cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu cách ứng dụng vào thực tiễn điều trị. 

Ban đầu dự án chỉ có vài  anh em, sau mọi người biết và muốn tham gia nhiều hơn. Có người nghỉ hưu, có người vẫn còn công tác, tất cả đều là những đồng nghiệp quen biết, những người dày dặn kinh nghiệm. 

Quên chưa nói tới chủ đề bài thuốc mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi tập trung vào các bệnh lý về gan, xương khớp, sinh lý là chính. Do lượng người có hạn, việc tập trung chuyên sâu vào một số đầu bệnh như vậy sẽ tốt hơn. 

Hơn 5 năm gắn bó tại  phòng khám Đồng Đội cho tôi nhiều kỷ niệm

Thành quả của dự án chúng tôi ứng dụng trực tiếp trong điều trị và phòng khám mang tên Đồng Đội chính thức được ra đời.  Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế bởi mỗi anh em đóng góp một chút. Mong muốn ban đầu thực ra là muốn làm từ thiện và tri ân nhiều hơn. 

Những bệnh nhân đầu tiên của chúng tôi là các cựu chiến binh, thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân tôi là bác sĩ nhưng cũng là thương binh, tôi hiểu rõ mỗi khi trái nắng trở trời vết thương lại nhói đau như thế nào. Thêm vào đó là bệnh tuổi già, hết xương khớp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao…rất nhiều. Bệnh nhân chính là đồng đội, đồng chí của mình nên tôi và các bác sĩ khác đều tận tâm cứu chữa nhất có thể. 

Tôi nhớ có một đồng chí thương binh 2/4 quê Thanh Hóa, bị xơ gan. Ai gặp cũng thương vì người nhỏ bé mà bụng trướng lên, đã điều trị ở bệnh viện tuyến huyện rồi tỉnh vẫn không đỡ. Con trai anh ấy biết phòng khám chúng tôi nên lặn lội ra Hà Nội để nhờ chúng tôi giúp đỡ. Nhà nghèo, chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thương binh ít ỏi và mấy sào ruộng mùa được mùa không nên hai cha con gần như không có tiền. Sau khi thăm khám và kê thuốc xong trời đã tối và còn rét (gần tết thì phải). Tôi mời hai cha con về nhà mình, ăn bữa cơm, ngủ qua đêm sáng hôm sau đưa ra bến xe.

Suốt đêm hôm ấy anh cứ nắm tay tôi mà rưng rưng nước mắt. Anh cảm ơn tôi, nói không biết lấy gì để trả ơn. Còn tôi chỉ bảo anh uống thuốc của tôi mà bệnh đỡ được thì đó là niềm vui lớn nhất đối với tôi rồi, cùng đồng chí cả không phải ơn huệ gì hết. Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện hồi còn đi chiến đấu…rồi chuyện sau khi xuất ngũ và bươn chải với cuộc sống khó khăn ra sao. Tôi thấy thương thật sự!

Bẵng đi chừng gần 1 tháng, lúc đang khám bệnh thì tôi nhận được cuộc gọi từ anh (gọi nhờ qua nhà hàng xóm chứ nhà anh nghèo đâu có điện thoại). Anh nói đã khỏe hơn rất nhiều, bụng hết trướng, ăn được và da dẻ bớt vàng vọt hơn…Tôi mừng quá, dặn anh tiếp tục uống thuốc theo chỉ định và giữ tinh thần lạc quan.

Chúng tôi không phải là quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân mà trở thành bạn bè,  đến bây giờ chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau, có vài lần tôi đã về quê anh chơi. Lúc biết tôi chuyển vào tp Hồ Chí Minh sinh sống, anh buồn mãi, anh sợ khó gặp lại nhau lần nữa.

Sau quãng thời gian đầu với bệnh nhân chủ yếu là cựu chiến binh, chúng tôi đã có thêm nguồn nhân lực để phục vụ bà con đến khám chữa bệnh. Quy mô phòng khám không đi theo hướng phát triển mạnh hay nhân rộng như nhiều bên khác. Chúng tôi chỉ tập trung vào chất lượng khám chữa bệnh. Chúng tôi trực tiếp chọn dược liệu, chọn đơn vị  gia công và giám sát cẩn thận hoặc tự bào chế luôn để đảm bảo chất lượng của thuốc. Do đó nên khá mất nhiều thời gian. Nhưng vui lắm, nhìn bệnh nhân đau đớn khi đến gặp mình lần đầu nhưng nở nụ cười sau khi thăm khám trở lại, đối với chúng tôi không còn gì hạnh phúc bằng. 

Chúng tôi cũng gần như không nhận lương. Có “lãi” được đồng nào đều thống nhất sẽ làm từ thiện hết. May mắn là anh em đều hiểu nhau, thế là đủ. 

Nhưng điều chúng tôi nhận lại từ khi mở phòng khám lại vô cùng lớn lao mà không thể đong đếm được. Đó là những thông báo sức khỏe cải thiện, là tình cảm của bệnh nhân, là những bó rau, chùm hoa quả quê mộc mạc mà thay cho lời cảm ơn chân thành, là bức thư của cậu bé lớp 2 viết hộ cho ông nội gửi cho chúng tôi nói rằng nhờ có thuốc của phòng khám mà bệnh của ông thuyên giảm…

Nhớ Hà Nội, nhớ “Đồng Đội”

Gắn bó với anh em tại phòng khám Đồng Đội được 5 năm thì tôi đành phải “nghe lệnh” bà xã và các con chuyển vào trong tp Hồ Chí Minh, chính thức nghỉ hưu. Thời gian đầu không đi làm, không được gặp đồng nghiệp, không được khám cho bệnh nhân thấy nhớ vô cùng, cảm giác thiếu vắng…

Tôi sắp xếp năm nào cũng phải ra Hà Nội ít nhất một lần, thường là vào dịp mùa thu. Bởi với tôi Hà Nội đẹp nhất vào tiết trời đó, gió heo may phảng phất mùi hoa sữa, nắng vàng nhẹ vương trên áo ai kia. 

Dịp nào tôi cũng ghé qua phòng khám Đồng Đội, quy mô sau từng ấy năm vẫn còn nhỏ bé thôi, nhưng đó là chủ trương mà tất cả thế hệ thầy thuốc chúng tôi từng tâm niệm. Đó là tập trung duy trì và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thuốc tốt mới là trọng tâm.